DỰ ÁN DIGICARE: HƯỚNG ĐI MỚI VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG TỰ QUẢN LÝ BỆNH MẠN TÍNH

TAY - TÂM - TRÍ - TỰ HÀO
5 Tháng một 2023

DỰ ÁN DIGICARE: HƯỚNG ĐI MỚI VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG TỰ QUẢN LÝ BỆNH MẠN TÍNH

Các bệnh mạn tính không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang ngày càng gia tăng và trở nên phổ biến, có những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và xã hội. Tại Việt Nam năm 2019, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Hiện nay, hệ thống y tế của Việt Nam luôn ở trong tình trạng quá tải nên những người bệnh mắc bệnh mạn tính cần được nâng cao khả năng tự quản lý bệnh.

Tuy nhiên các kỹ năng trong việc hỗ trợ và huấn luyện việc tự quản lý của người bệnh thông qua kỹ thuật số thường không phải là một phần trong chương trình giảng dạy về chăm sóc sức khỏe. Trong bối cảnh trên, dự án DigiCare được tài trợ bởi Erasmus + đã được xây dựng và triển khai. Mục tiêu của dự án sẽ thiết kế một mô hình DigiCare Châu Á để tạo điều kiện cho các sinh viên chăm sóc sức khỏe học cách hỗ trợ và huấn luyện việc tự quản lý người bệnh hiệu quả hơn bằng các thiết bị và công nghệ kỹ thuật số.

Trường đại học Điều dưỡng Nam Định là một trong các đối tác tham gia vào dự án. Nhiệm vụ của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định là tham gia vào các gói công việc của dự án đồng thời là đối tác điều hành việc thực hiện gói công việc thí điểm mô hình DigiCare và gói công việc quản lý chất lượng của dự án. Trường đại học Điều dưỡng Nam Định tham gia vào dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên của trường là những người điều dưỡng viên tương lai phát triển kiến thức và kỹ năng huấn luyện người bệnh thông qua sử dụng kỹ thuật số.

Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 đến năm 2023. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án DigiCare, các trường đối tác đã cùng nhau thực hiện các công việc: tổng quan về các khái niệm trong mô hình, dự thảo mô hình, thí điểm mô hình, hoàn thiện và xuất bản mô hình. Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã có 24 giảng viên và 142 sinh viên tham gia vào các vòng thí điểm mô hình. Thông qua quá trình thí điểm, mô hình DigiCare đã dần được hoàn thiện. Kết quả cụ thể của dự án được kỳ vọng là (1) Mô hình DigiCare Châu Á được thiết kế dựa trên các thực hành tốt nhất và được thử nghiệm thông qua thí điểm; (2) Sổ tay DigiCare được với các tình huống để sử dụng thực tế trong giáo dục điều dưỡng; (3) Mạng lưới Châu Á mở rộng Cộng đồng DigiNurse Châu Âu và tiếp tục hoạt động như một nền tảng và mạng lưới các chuyên gia giáo dục chăm sóc sức khỏe.

Như vậy, Dự án DigiCare dựa trên thực hành tốt nhất sẽ cung cấp phương pháp giảng dạy các kỹ năng huấn luyện người bệnh thông qua kỹ thuật số trong giáo dục điều dưỡng. Từ đó sinh viên điều dưỡng có thể áp dụng để huấn luyện người bệnh mạn tính thông qua kỹ thuật số nhằm nâng cao khả năng tự quản lý từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nhóm dự án DigiCare Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định

Số mới ra

Gửi bài mới